Cách dùng thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em

24.12.2022

Hiện nay, có nhiều loại thuốc bôi nứt kẽ hậu môn trên thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo vết thương mau lành và không gây ra tác dụng phụ cho trẻ.

1. Bệnh nứt kẽ hậu môn ở trẻ em là gì?

Nứt kẽ hậu môn ở trẻ em là tình trạng những vết rách, nứt nhỏ xuất hiện ở niêm mạc ống hậu môn của trẻ, khiến trẻ cảm thấy đau và thậm chí là chảy máu khi đi đại tiện. Vì bị đau khi đại tiện nên có thể trẻ sẽ nín đi ngoài.

Táo bón được cho là nguyên nhân chính khiến trẻ bị nứt kẽ hậu môn, nhất là khi trẻ bị táo bón trong thời gian dài, phân cứng, khô và to khiến trẻ đại tiện rất khó khăn, thậm chí là trẻ phải rặn. Khi đó, rặn làm tăng áp lực lên niêm mạc hậu môn và làm chúng giãn ra, kết hợp với cọ xát với phân cứng và gây nứt kẽ hậu môn.

Tuy nhiên, trên thực tế còn một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị nứt kẽ hậu môn ở trẻ em như:

- Trẻ thường xuyên bị tiêu chảy, đại tiện phân lỏng.

- Trẻ bị dị tật ở cơ thắt hậu môn. 

- Trẻ bị nhiễm khuẩn, viêm hậu môn hoặc có khối u ở hậu môn. 


2. Bé bị nứt kẽ hậu môn bôi thuốc gì?

Nứt kẽ hậu môn ở trẻ nếu không điều trị có thể tiến triển thành mãn tính và lúc này việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn, cũng như mất nhiều thời gian hơn. Do đó, khi thấy trẻ có biểu hiện táo bón lâu ngày, đại tiện khó khăn kèm theo chảy máu và đau rát ở hậu môn, cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám bác sĩ để được kiểm tra.

Dựa vào thăm khám lâm sàng (bằng soi đại tràng, đo áp lực hậu môn,…) cùng tiền sử bệnh (trẻ bị tiêu chảy, táo bón, đại tiện ra máu, mắc các bệnh khác về tiêu hóa,…), bác sĩ sẽ chẩn đoán trẻ có bị nứt kẽ hậu môn hay không. Tùy vào từng tình trạng, cấp tính hay mãn tính sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. 

Với nứt kẽ hậu môn cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị táo bón - là nguyên nhân chính gây bệnh, bằng thuốc làm mềm phân, đồng thời dặn cha mẹ cho trẻ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước để trẻ đại tiện dễ hơn.

Để làm lành vết nứt ở hậu môn, giảm đau khi đại tiện, ngăn ngừa nhiễm khuẩn ở niêm mạc hậu môn, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi và hướng dẫn sử dụng từng loại cụ thể như sau:

- Tetracycline: Tetracycline là một loại thuốc kháng sinh phổ biến có phổ kháng khuẩn rộng, thành phần chính là Tetracycline hydrochloride. Có thể sử dụng Tetracycline làm thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em để làm giảm ngứa, viêm nhiễm ở hậu môn và ngăn không cho vết nứt sâu hơn, rộng hơn. Tuy nhiên, cần thận trọng khi bôi Tetracycline cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ bị dị ứng với thành phần của thuốc. Chỉ nên bôi thuốc khoảng 3 - 4 lần/ ngày theo chỉ định của bác sĩ.

- Anusol - HC: Anusol - HC là một loại thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em hiệu quả, có thành phần chính là oxit kẽm, dầu khoáng và pramoxine. Anusol - HC làm tăng lưu lượng máu đến vết nứt ở hậu môn để nhanh chóng làm lành vết thương và giúp giảm đau. 

- Nitroglycerin: Nitroglycerin cũng là một loại thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em có thành phần chính là Nitroglycerin. Nitroglycerin làm giãn các mạch máu và tăng cường lưu thông máu ở hậu môn, nới lỏng và giảm áp lực lên các vết nứt, từ đó giúp vết thương nhanh lành, giảm đau khi đại tiện.

- Proctolog: Proctolog là thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em, có thành phần chính là Ruscogénines và Trimébutine giúp giảm đau và kháng viêm, hạn chế chảy máu khi đại tiện. Lưu ý, việc sử dụng Proctolog nên cần có ý kiến của bác sĩ, tránh tự ý mua và sử dụng thuốc vì thuốc này chỉ được dùng để điều trị trong thời gian ngắn và bôi từ 1 - 2 lần/ngày.

- Multidex: Multidex là sản phẩm chứa thành phần chính là Maltodextrin và vitamin C. Sản phẩm giúp vết thương nhanh lành, an toàn cho trẻ em và có thể sử dụng trong điều trị nứt hậu môn.

Để đảm bảo an toàn và hạn chế tác dụng phụ, tốt nhất cha mẹ không nên tự ý mua thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em để sử dụng mà phải đưa trẻ thăm khám, để bác sĩ chỉ định loại thuốc phù hợp.

3. Cách dùng thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em

Dùng thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em bao gồm các bước như sau:

Bước 1: Vệ sinh sạch sẽ hậu môn, sau đó dùng khăn mềm và sạch lau khô.

Bước 2: Lấy thuốc theo chỉ định của bác sĩ rồi bôi một lớp mỏng lên da. Bôi thuốc khoảng 2 - 3 lần/ ngày, bôi thuốc vào các buổi sáng và tối, hoặc khi cảm thấy đau rát ở hậu môn để làm giảm cơn đau.

Trong quá trình dùng thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em, để giúp trẻ đại tiện dễ dàng hơn, có thể cho trẻ ngâm phần hậu môn vào chậu nước ấm. Bên cạnh đó, cần theo dõi biểu hiện của trẻ trong lần đầu tiên bôi thuốc để xem trẻ có gặp tác dụng phụ không, chẳng hạn như đau đầu,… Sau khi bôi thuốc vài giờ đồng hồ, tác dụng phụ của thuốc có thể biến mất.


4. Chăm sóc trẻ bị nứt kẽ hậu môn như thế nào?

Nếu nguyên nhân trẻ bị nứt kẽ hậu môn là táo bón hoặc tiêu chảy, thì ngoài việc dùng thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em cần điều trị nguyên nhân gây bệnh bằng cách thay đổi chế độ ăn uống. Tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây hoặc rau xanh cho bữa ăn của trẻ, hoặc cho trẻ uống nước ép trái cây, sinh tố, các loại sữa từ thực vật.

Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm không tốt đối với hệ tiêu hóa như thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh hoặc nhiều gia vị cay nóng, 

Ngoài dùng thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em, nếu cha mẹ muốn bổ sung men cho trẻ để giúp làm mềm phân, cha mẹ cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ để tránh không gây rối loạn hệ tiêu hóa của trẻ.

Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cần chú ý thay tã cho trẻ và giữ hậu môn luôn khô ráo sạch sẽ để trẻ không bị hăm. Ở trẻ lớn hơn, để ngăn ngừa táo bón và kích thích nhu động ruột, có thể khuyến khích trẻ vận động nhẹ nhàng. Dù là trẻ lớn hay trẻ nhỏ thì cha mẹ đều có thể áp dụng động tác xoa bụng theo chiều kim đồng hồ và giúp trẻ hình thành thói quen đại tiện 1 lần/ngày để trẻ không bị táo bón.

Cha mẹ có thể kết hợp dùng thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em với việc cho trẻ ngâm hậu môn trong chậu nước muối ấm từ 10 - 15 phút để sát trùng, kháng khuẩn, kháng viêm, giảm ngứa và đau. Nếu trẻ bị khô da, có thể sử dụng một số loại kem dưỡng ẩm như dầu dừa hoặc vaseline để làm dịu vết nứt.

Việc sử dụng thuốc bôi nứt kẽ hậu môn cho trẻ em cần có ý kiến và hướng dẫn của bác sĩ. Trước khi bôi thuốc, nên vệ sinh hậu môn sạch sẽ và lau khô, sau đó bôi một lớp thuốc mỏng. Bên cạnh đó, cần kết hợp ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước lọc và trái cây để điều trị dứt điểm nguyên nhân và tổn thương tại chỗ.