Mẹo giúp giảm triệu chứng ho hậu Covid

02.04.2022

Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp đào thải dị vật đường hô hấp, ví dụ chất nhầy, đờm dãi... Sau khi nhiễm các loại virus đường hô hấp, trong đó có Covid-19, người bệnh thường ho kéo dài, ho có đờm hoặc ho khan dai dẳng. Trong trường hợp của bạn, ho khan quá nhiều gây mệt mỏi, đau cơ hoành, đau thành ngực, ảnh hưởng tới chất lượng sống. Bài viết dưới đây cung cấp những mẹo hữu ích giúp giảm triệu chứng ho sau Covid.

Khoảng 50- 70% những người mắc COVID-19 có triệu chứng là ho khan

1. Ho là gì?

Ho, về bản chất là phản ứng bảo vệ cơ thể, nhằm tống xuất mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, ho nhiều quá gây mệt, gây khó ngủ thì cần điều trị.

Cần phân biệt 2 loại, ho khan và ho có đờm:

- Ho khan, thường do nhiễm virus, gây kích ứng đường hô hấp.

- Ho có đờm, thường do có bệnh mạn tính về đường hô hấp hoặc do nhiễm vi khuẩn.


2. Tại sao COVID-19 gây ra ho?

Theo thống kê, có khoảng 50- 70% những người mắc COVID-19 có triệu chứng là ho khan. Hầu hết những người mắc COVID-19, có thể ho khoảng 19 ngày. Thậm chí, ho kéo dài 4 tuần hoặc trong nhiều tháng.

Ho là phản xạ cần thiết bảo vệ chống lại nhiễm trùng. Bình thường, khi phát hiện ra virus hoặc những vật thể lạ, các dây thần kinh cảm giác sẽ kích hoạt cảm biến ho ở vùng tủy của não, từ đó kích hoạt các cơ xung quanh đường hô hấp để đẩy vật thể lạ ra ngoài.

Ở bệnh nhân COVID-19, virus có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nhắm mục tiêu vào các dây thần kinh cảm giác, như một phần của bệnh nhiễm trùng, do đó, gây nên những cơn ho.


3. Xử trí ho kéo dài sau khi khỏi COVID-19

Nhiều người dù đã âm tính nhưng vẫn ho kéo dài. Tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý, an toàn, hiệu quả.

3.1. Ho khan

Có thể vẫn còn virus chưa hết hẳn, hoặc nhiễm virus đường hô hấp khác. Hoặc ho do dị ứng, do khói thuốc, hóa chất...

Cách xử lý là dùng giảm ho bổ phế + thuốc chống dị ứng thế hệ cũ như alimemazine, diphenhydramin (theralene hoặc benadryl hoặc các loại có thành phần tương tự).

Một số trường hợp là do trào ngược dạ dày thực quản, do khi bị COVID-19, dễ lo lắng, mất ngủ, suy nghĩ nhiều... có thể gây tăng tiết acid dạ dày, gây rối loạn co thắt dạ dày thực quản, cũng gây ho khan. Trường hợp này cần dùng kháng acid để trung hòa dịch vị dạ dày, thuốc an thần nhẹ để giảm lo lắng, căng thẳng.

3.2. Ho có đờm

Có thể do viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này phải thăm khám bác sĩ để dùng kháng sinh + long đờm (thường dùng loại ambroxol)

Có thể do các bệnh phổi khác như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản... Khi đó cần đi khám chuyên khoa hô hấp để được xử lý triệt để.


4. Mẹo giảm ho hậu Covid tại nhà

- Nâng cao đầu và ngực khi ngủ: Đặt một miếng đệm dưới gối, vì khi ngủ với tư thế kê cao đầu và ngực sẽ ngăn chất nhầy cản trở đường thở và do đó có thể giúp bạn tránh bị ho.

- Uống nhiều nước: Uống nước ấm có thể giúp giảm khô cổ họng, một nguyên nhân phổ biến gây ho. Nó cũng giúp làm loãng chất nhầy, có thể làm dịu cơn ho và tắc nghẽn.

Uống nhiều nước ấm giúp làm loãng đờm, dịu cơn ho

- Uống trà với mật ong: Uống trà gừng ấm với mật ong có thể giúp giảm cơn ho do đau họng. Theo nghiên cứu, mật ong có thể làm dịu cơn ho hiệu quả hơn các loại thuốc không kê đơn có chứa dextromethorphan (DM) - một chất giảm ho. Trong khi đó, gừng có các hợp chất chống viêm có thể làm giảm viêm và sưng tấy ở cổ họng, dịu cơn ho. Vì vậy, trà gừng ấm thêm chút mật ong là một phương pháp trị ho hữu ích cho bạn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể uống nước chanh có thêm mật ong. Nước cốt chanh được biết là có thể giúp giảm tắc nghẽn. Lưu ý, không bao giờ nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong.

- Uống sữa nghệ: Hợp chất hoạt tính curcumin trong nghệ có đặc tính chống viêm mạnh. Sữa nghệ ấm có thể giúp làm dịu cổ họng và hoạt động như một loại thuốc long đờm tuyệt vời.

- Súc miệng nước muối: Súc miệng bằng nước muối có thể giúp làm dịu cổ họng ngứa ngáy khiến bạn bị ho. Bạn có thể pha 1/4 hoặc 1/2 thìa cà phê muối với khoảng 237 ml nước ấm. 

- Bạc hà: Lá bạc hà được nhiều người biết đến với công dụng chữa bệnh. Menthol trong bạc hà có thể giúp làm dịu cổ họng và giúp thở dễ dàng hơn. Bạn có thể hưởng lợi bằng cách uống trà bạc hà hoặc hít hơi bạc hà từ liệu pháp xông hơi.

- Thực hành thở bằng cơ hoành

+ Ngồi thẳng lưng và thoải mái, một bàn tay đặt lên bụng và tay kia đặt trên ngực.

+ Hít vào từ từ và sâu qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên theo từng nhịp thở; lồng ngực không di chuyển.

+ Hóp bụng lại và từ từ thở ra bằng miệng.

+ Lặp lại 5-6 lần hoặc nhiều hơn trong 15-20 phút.

- Nghỉ ngơi nhiều: Cho hệ thống miễn dịch của bạn nhiều thời gian để phục hồi bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ và cố gắng ngủ nhiều hơn 7-9 giờ mỗi đêm.


Nếu cơn ho của bạn không thuyên giảm ngay cả với các biện pháp điều trị tại nhà, hãy thăm khám bác sĩ. Khi một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn đang cản trở khả năng điều trị ho, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng các loại thuốc mạnh hơn.