Nguyên nhân và cách phòng tránh biến chứng tiểu đường

18.12.2021

Nguyên nhân và cách phòng tránh biến chứng tiểu đường

Tin vui: Những người mắc bệnh tiểu đường đang sống lâu hơn, sống khỏe hơn với ít biến chứng hơn. Bí quyết ở đây là gì? Nâng cao nhận thức và quản lý tốt hơn các yếu tố rủi ro. Tìm hiểu những gì bạn có thể làm để ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng của bệnh tiểu đường trong bài viết dưới đây.

Cải thiện lối sống và kiểm soát tốt đường huyết là cách hiệu quả để ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường

1. Nguyên nhân gây ra biến chứng đái tháo đường

Lượng đường cao trong máu trong thời gian dài có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến các mạch máu của bạn. Nếu các mạch máu của bạn không hoạt động bình thường, máu không thể di chuyển đến các bộ phận của cơ thể bạn mà nó cần.

Điều này có nghĩa là dây thần kinh của bạn cũng sẽ không hoạt động bình thường và có nghĩa là bạn sẽ bị mất cảm giác ở các bộ phận của cơ thể. Khi biến chứng đái tháo đường gây hỏng các mạch máu và dây thần kinh ở một bộ phận của cơ thể, bạn sẽ có nhiều khả năng phát triển các vấn đề tương tự ở các bộ phận khác của cơ thể. Vì vậy, nếu bàn chân của bạn bị tổn thương, các vấn đề nghiêm trọng về tim có thể xảy ra. 

Chỉ số HbA1c của bạn càng cao, bạn càng có nhiều nguy cơ phát triển các biến chứng. Ngay cả khi HbA1c hơi cao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nhưng biến chứng không chỉ bị ảnh hưởng do lượng đường trong máu. Huyết áp cao, hút thuốc và có nhiều chất béo trong máu (cholesterol) đều có thể làm hỏng mạch máu của bạn và khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.


2. Làm cách nào để ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng?

Các biến chứng này không phải là không thể tránh khỏi. Kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và chất béo trong máu sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ phát triển các biến chứng. 

Đi khám định kỳ và tuân thủ chế độ điều trị là điều bắt buộc để bạn kiểm soát tốt đường máu cũng như các bệnh lý mắc kèm khác.

Ngừng hút thuốc và giảm mức HbA1c, kiểm soát tốt mỡ máu và huyết áp sẽ ngăn ngừa hoặc làm chậm các biến chứng này. Từ bỏ hút thuốc là điều tốt nhất bạn có thể làm nếu mắc bệnh tiểu đường vì hút thuốc khiến máu lưu thông quanh cơ thể khó khăn hơn.

Theo dõi kỹ các mức này và hiểu các chỉ số xét nghiệm sẽ giúp bạn kiểm soát sức khỏe của mình. 

Khi bạn có một biến chứng mãn tính, bạn có nhiều nguy cơ phát triển các biến chứng khác. Vì vậy, nếu các mạch máu của bạn bị tổn thương ở chân chẳng hạn, tổn thương có thể xảy ra với các bộ phận khác của cơ thể như thận và tim của bạn. Điều này có nghĩa là bạn cần luôn kiểm tra sức khỏe và lượng đường trong máu của mình khi bạn đang kiểm soát các vấn đề khác.

Ngừng hút thuốc là yếu tố quan trọng để phòng ngừa biến chứng tiểu đường

3. Phương pháp cải thiện lối sống để ngăn ngừa biến chứng tiểu đường

Một lối sống lành mạnh là lộ trình của bạn để kiểm soát bệnh tiểu đường, là chìa khóa để ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng:

- Thực hiện theo một kế hoạch ăn uống lành mạnh.

- Hoạt động thể chất ít nhất 150 phút một tuần (chỉ 30 phút, 5 ngày một tuần).

- Quản lý đường huyết theo nguyên tắc:

+ Làm xét nghiệm A1C thường xuyên để đo lượng đường trong máu trung bình của bạn trong vòng 2 đến 3 tháng; cố gắng ở trong phạm vi mục tiêu của bạn càng nhiều càng tốt.

+ Cố gắng giữ huyết áp của bạn dưới 140/90 mm Hg (hoặc mục tiêu bác sĩ đặt ra).

+ Kiểm soát mức cholesterol của bạn.

+ Ngừng hút thuốc hoặc đừng bắt đầu hút thuốc

- Bác sĩ cũng có thể kê đơn các loại thuốc có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp, mức cholesterol và chất béo trung tính.

- Giảm cân nếu bạn thừa cân — chỉ cần giảm 5% đến 7% trọng lượng sẽ làm giảm nguy cơ biến chứng. 

- Uống thuốc theo hướng dẫn và nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có thắc mắc hoặc vấn đề với thuốc của mình.

- Đặt và giữ lịch hẹn với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn (bác sĩ chăm sóc chính, nha sĩ, bác sĩ bàn chân, bác sĩ mắt và chuyên gia dinh dưỡng).